Thông báo

Công bố quốc tế và lựa chọn tạp chí khoa học để công bố

12/09/2017
Trong quá trình hội nhập quốc tế, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học Việt Nam phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những chuẩn mực nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích NCKH của nhà khoa học....
Trong quá trình hội nhập quốc tế, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học Việt Nam phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những chuẩn mực nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích NCKH của nhà khoa học. Trong các chuẩn mực đó, công bố kết quả nghiên cứu - bất kể là nghiên cứu khoa học ứng dụng hay cơ bản -- trên các tạp chí khoa học quốc tế là một yêu cầu số một cho nhà khoa học. Trong hoạt động NCKH, bài báo khoa học không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Giới làm NCKH nói chung nhất trí rằng cái chỉ tiêu số 1 để đánh giá một nhà khoa học là dựa vào số lượng và chất lượng các bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Các công bố quốc tế nói chung và đặc biệt là bài báo khoa học nói riêng góp phần quan trọng trong nâng cao vị thế của các trường đại học. Trong hầu hết xếp hạng về tiềm lực KHCN của các tổ chức quốc tế khác nhau từ QS Ranking, QS Start, URAP (University Ranking by Academic Performance) cho đến Webometrics, các chỉ số liên quan trực tiếp và gián tiếp đến số lượng bài báo công bố và mức độ trích dẫn của bài báo, …. đều có trọng số rất cao trong đánh giá xếp hạng của đại học.
Cần phải khẳng định không phải nhà khoa học nào cũng đánh giá được chất lượng của bài báo khoa học. Chỉ có nhà khoa học cùng chuyên môn mới có khả năng thẩm định giá trị của một công trình nghiên cứu, cho nên các bài báo khoa học để được công nhận phải công bố trên các tạp chí khoa học có hệ thống bình duyệt (peer reviewed) nghiêm túc. Hệ thống bình duyệt là một cơ chế khoa học nhằm loại bỏ các công trình nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn hay các trường hợp gian lận khoa học. Tuy hệ thống này không hẳn hoàn chỉnh, nhưng cho đến nay chưa có hệ thống nào tốt hơn, nên cộng đồng khoa học quốc tế vẫn phải dựa vào đó để duy trì chất lượng hoạt động khoa học. Nếu công trình nghiên cứu đạt tiêu chuẩn khoa học thì công trình đó sẽ được chấp nhận cho công bố; nếu công trình không đạt chuẩn mực khoa học thì sẽ bị từ chối. Tạp chí khoa học có uy tín càng cao, hệ thống bình duyệt càng khó, càng gắt gao. Do đó, công bố nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có bình duyệt nghiêm túc là một yêu cầu cực kì cơ bản của hoạt động khoa học. Chính vì vậy, lựa chọn tạp chí là một việc quan trọng. Thứ nhất, chúng ta cần lựa chọn tạp chí có chất lượng cao, hay ít nhất là tạp chí có chất lượng phù hợp để công bố bài báo của mình, tránh đăng trên tạp chí giả khoa học, tạp chí chất lượng thấp, nhà xuất bản nặng về thương mại. Thứ hai, khi trích dẫn, khi làm tổng quan lý thuyết chúng ta cũng cần chọn bài trên các tạp chí uy tín để đảm bảo chất lượng bài báo của mình.
Với các tác giả có dự định gửi bài tới các tạp chí quốc tế uy tín thì việc kiểm tra chất lượng, tính xác thực và xếp hạng của tạp chí mà mình gửi bài là việc rất quan trọng. Trên thế giới có nhiều hệ thống xếp hạng các tạp chí, trong đó hiện nay có 3 hệ thống được coi là phổ biến, uy tín và tin cậy nhất đó là ISI, SCOPUS và ABDC.
1. Danh mục ISI (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ)
The Institute for Scientific Information (ISI) được biết đến như Thomson ISI và bây giờ là một phần của Thomson Reuters, chuyên cung cấp các dịch vụ cơ sở dữ liệu trích dẫn. Viện Thông tin Khoa học Hoa Kỳ đã xét chọn chất lượng của các tạp chí trên thế giới một cách khắt khe và kỹ lưỡng để đưa vào cơ sở dữ liệu của họ. Mặc dù vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất, nhưng ISI vẫn là một trong rất ít cách phân loại được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu. Liên hợp quốc, các Chính phủ và các Tổ chức quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học, kỹ thuật.
ISI lúc đầu (năm 1960) chỉ bao gồm tập hợp SCI (Science Citation Index) với khoảng khoảng 4.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ có chất lượng cao và truyền thống lâu đời nhất trên thế giới. Về sau SCI  mở rộng  thành tập hợp SCIE (Science Citation Index Expanded) với khoảng hơn 8.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ xuất bản từ năm 1900 đến nay. Hiện nay, ISI còn bao gồm tập hợp SSCI (Social Science Citation Index) với hơn 2.000 tập chí xuất bản từ năm 1956 đến nay và A&HCI (Arts & Humanities Citation Index) với hơn 1.200 tập chí xuất bản từ năm 1975 đến nay. Như vậy, ISI là tập hợp bao hàm cả SCI, SCIE, SSCI và A&HCI với tổng cộng khoảng 14.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao, trong tổng số hàng trăm nghìn tạp chí trên thế giới. Cơ sở dữ liệu trích dẫn ISI bao gồm hơn 14.000 tạp chí khoa học, trong đó có các chỉ số trích dẫn để theo dõi liên tục qua các năm. Cơ sở dữ liệu này cho phép một nhà nghiên cứu xác định các bài báo đã được trích dẫn thường xuyên nhất, và những người đã trích dẫn. ISI xuất bản hàng năm Journal Citation Reports liệt kê yếu tố tác động cho mỗi tạp chí mà ISI theo dõi. Do đó khi tìm kiếm các tạp chí có uy tín, người nghiên cứu có thể truy cập Master Journal List ở đây: http://ip-science.thomsonreuters.com/
Danh sách các tạp chí thuộc SCI:
http://www.thomsonscientific.com/cgi-bin/jrnlst/jlresults.cgi?PC=K
Danh sách các tạp chí thuộc SCIE:  
http://www.thomsonscientific.com/cgi-bin/jrnlst/jlresults.cgi?PC=D
Danh sách các tạp chí thuộc SSCI:  
http://www.thomsonscientific.com/cgi-bin/jrnlst/jlresults.cgi?PC=J
ESCI (Emerging Sources Citation Index) là danh mục các tạp chí mới được Thomson Reuters bổ sung từ 2015. Việc bổ sung ESCI giúp mở rộng CSDL Web of Science hướng tới các công bố có phản biện, và chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học mới và quan trọng. ESCI gia tăng sự hiện diện của các tạp chí đang trong quá trình xét chọn để được xếp chỉ mục vào các danh mục tạp chí có uy tín cao như SCIE, SSCI và A&HCI.
2. Danh mục SCOPUS
Bên cạnh phân loại ISI, nhiều tổ chức xếp hạng thế giới, ví dụ như Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO (http://scimagojr.com) hoặc Tổ chức xếp hạng đại học (QS World University Rankings, http://www.topuniversities.com), ..., còn sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn SCOPUS.  
SCOPUS được xây dựng từ 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), dành cho thuê bao trực tuyến, có trả phí. Đó là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Scopus có chứa 57 triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là Tạp chí chuyên ngành trong Khoa học, Kỹ thuật, Y tế, Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn.
Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. Số lượng tạp chí nằm trong Scopus gần gấp đôi số lượng nằm trong ISI, nhưng không bao gồm tất cả mà chỉ chứa khoảng 70% số lượng của ISI. Tuy nhiên, nguồn Scopus chỉ bao gồm các bài báo xuất bản từ năm 1995 trở lại đây. Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của Scopus cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF, nhưng nội dung website của Scopus (http://www.scopus.com) rất tiện ích khi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học của các cá nhân và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ...
SCOPUS là một hệ cơ sở dữ liệu có uy tín, gồm tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Danh mục 22.000 tạp chí này cũng được phân hạng thành 4 nhóm bằng nhau (quarter), mỗi nhóm có khoảng 5000 tạp chí, căn cứ trên chỉ số IF. Rõ ràng, nếu tạp chí ở đầu quarter 1 thì uy tín hơn nhiều so với tạp chí ở cuối quarter 4, do vậy không thể đánh đồng tạp chí trong SCOPUS.
Danh sách các tạp chí thuộc SCOPUS:
http://www.scimagojr.com/ hoặc https://www.elsevier.com/solutions/scopus/content
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng có thể tham khảo danh mục các tạp chí uy tín của các nhà xuất bản hàng đầu và các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như nhà xuất bản Springer, nhà xuất bản Wiley-Blackwell, nhà xuất bản Taylor&Francis, nhà xuất bản Sage, nhà xuất bản Oxford University Press, nhà xuất bản Cambridge University Press, nhà xuất bản Chicago University Press,  nhà xuất bản Emerald,  mnhà xuất bản Macmillan Publishers, … 
3.Danh mục ABDC
Hội đồng hiệu trưởng các trường kinh doanh của Úc (ABDC) vào năm 2007 đã công bố  ABDC Journal Quality list cho các thành viên là các trường kinh doanh thuộc các Trường đại học Úc. Hội đồng đã xem xét ABDC Journal Quality List vào năm 2009 và 2013 và lần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 2016-2017. Danh mục này chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh. Nhược điểm của danh mục này là cập nhật không thường xuyên nên có thể, một tạp chí có uy tín khi mới cập nhật, đến cuối kỳ, 3-4 năm sau trở thành tạp chí kém chất lượng và mang tính thương mại.
Thứ hạng của các tạp chí trong danh sách này càng cao thì độ tin cậy có xu hướng càng tăng. ABDC Journal Quality List 2013 bao gồm 2.767 tên tạp chí khác nhau, được chia làm bốn nhóm chất lượng: A*: 6,9%; A: 20,8%; B: 28,4%; và C: 43,9% số tạp chí. Trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu các tạp chí không đạt ngưỡng sẽ không được liệt kê.
A*: đây là nhóm tạp chí có chất lượng cao nhất, nằm trong top 5-7% các tạp chí trong các lĩnh vực nghiên cứu chính.
A: đây là nhóm tạp chí có chất lượng cao thứ 2, nằm trong nhóm 15-25% tiếp theo của các tạp chí trong các lĩnh vực nghiên cứu chính. Hầu hết các tạp chí thuộc nhóm A* và A đều nằm trong danh mục ISI và SCOPUS.
B: đây là nhóm tạp chí có chất lượng cao thứ 3, nằm trong nhóm 35-40% tiếp theo của các tạp chí trong các lĩnh vực nghiên cứu chính.
C: đây là nhóm tạp chí có chất lượng cao thứ 4, nằm trong nhóm còn lại của các tạp chí trong các lĩnh vực nghiên cứu chính. Lưu ý trong nhóm này có nhiều tạp chí được coi là tai tiếng hoặc chất lượng thấp.
Để biết được chất lượng các tạp chí như thế nào chúng ta có thể tìm chi tiết danh sách các tạp chí được ABDC xếp hạng ở đây: http://www.abdc.edu.au/
Tài liệu tham khảo
1. AUSTRALIAN BUSINESS DEANS COUNCIL. (2013), ABDC Journal Quality List 2013. [Online] Available from: http://www.abdc.edu.au/pages/abdc-journal-quality-list-2013.html
2. Trần Văn Nhung  (2017), Mã số chuẩn quốc tế cho tạp chí, sách và sự phân loại tạp chí khoa học, http://utt.edu.vn/khcn-htqt/tap-chi/tap-chi-khcn/ma-so-chuan-quoc-te-cho-tap-chi-sach-va-su-phan-loai-tap-chi-khoa-hoc-a6933.html
3. Phạm Duy Hiển (2010), A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for VietnamHigh Educ., (Springer), Vol. 60, p. 615-626, 2010.
4. Nguyễn Văn Tuấn, http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/
5.Scientometrics for Vietnam (Trắc lượng khoa học Việt Nam), http://scientometrics4vn.com/
 
Close menu